Con tàu Nô-ê (Noah) có thật không?
Trên núi A-ra-rát
Có một ngọn núi được vinh dự là nơi nhiều người tham quan, leo lên, nghiên cứu, và được quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Đó là ngọn núi danh tiếng A-ra-rát.
Theo Kinh Thánh, ngọn núi này trở nên danh tiếng vì là nơi có chiếc tàu chở ông Nô-ê và ba người con trai ông đậu trên đó, sau khi lụt hồng thuỷ chấm dứt. Trận lụt này nhằm tiêu diệt sự sống của con người, súc vật, và mọi cỏ cây.
A-ra-rát là một dãy núi nhỏ trải dài 13 ki-lô-mét, nằm giữa hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Ác-mê-ni-a ngày nay. Nó có hai ngọn chính : Đại A-ra-rát ở phía bắc, cao 5516 mét, quanh năm tuyết bao phủ, và Tiểu A-ra-rát ở phía nam, cao 4300 mét.
Theo truyền thống, tàu Nô-ê cùng với thú vật theo loại đã tới một trong hai ngọn núi ấy, về phía tây nam, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, và đậu lại ở độ cao 2000 mét. Vì thế, từ lâu núi này được xem là huyền bí, nên nó được đặc biệt tôn kính.
Tìm kiếm chiếc tàu No-e đã mất
Trước đây, các Ki-tô hữu thời đầu cư ngụ quanh núi này đã xây nên một đền thờ ở đây và họ gọi là Đền thờ tàu Nô-ê. Tại đây hằng năm, họ tổ chức đại lễ mừng ngày những người trong tàu được cứu cách lạ lùng ra khỏi tàu.
Nhưng qua các thế kỷ, ước vọng được thúc đẩy mỗi ngày gia tăng hơn và bắt đầu ấp ủ viễn tượng muốn tìm được chiếc tàu vĩ đại đã đưa vị tổ phụ của nhân loại mới đến nơi an toàn.
Người đầu tiên nói đã thấy chiếc tàu ấy là thánh Gia-cô-bê, một đan sĩ thuộc thế kỷ VII. Theo thánh nhân, nhờ Chúa soi sáng, thánh nhân đã thấy ở giữa đống tuyết phủ kín sườn núi có một tấm gỗ của chiếc tàu, hiện vẫn còn được người Ác-mê-ni lưu giữ trong hòm thánh tích quý giá.
Nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, có một người chăn cừu tên là Bayzit thuộc vùng hẻo lánh nằm dưới chân núi nói rằng đã thấy một chiếc thuyền lạ ở núi thánh ấy. Sự kiện này đã đưa đến nhiều cuộc thám hiểm vẫn tiếp diễn đến ngày hôm nay.
Nhiều kết quả, nhưng không có chứng cớ
Năm 1892, tiến sĩ Nouri, một phó tế thuộc giáo hội công giáo Malabarese ở Ấn Độ, khi đến núi A-ra-rát, quả quyết là đã thấy chiếc tàu nằm lâu năm trong tuyết và đã vào tận bên trong chiếc tàu ấy để khám phá. Đang khi chẳng có ai tin chuyện này, thì ông ta lại muốn đưa ra bằng chứng ông có, nhưng … đã bị đánh cắp rồi!
Năm 1916, vào lúc giữa chiến tranh thế giới I, một phi công Nga tên là Vladimir Roscovitsky, đã là nhân vật chính của một trong những chuyện nổi cộm nhất liên quan đến tàu Nô-ê. Vào một ngày oi ả tháng 8, khi đang lái máy bay trong các vùng gần núi A-ra-rát, ông ta đã nhìn thấy chiếc tàu rất lớn. Khi trở về, ông thuật lại việc ông đã khám phá được điều lạ kỳ, và ngay lập tức, Nga hoàng Nicola II liền phái một đoàn thám hiểm gồm 150 người để xác minh, nghiên cứu, chụp ảnh, lượng định và phác thảo về mọi phương diện của điều lạ kỳ ấy trong suốt một tháng. Nhưng một năm sau, lúc cuộc cách mạng Nga bùng nổ, toàn bộ hồ sơ và bằng chứng của cuộc thám hiểm ấy đã … thất lạc hoàn toàn!
Ba mươi năm sau, ngày 20 tháng Giêng năm 1945, một nhà in người Úc đã xuất bản tạp chí nói về một phụ nữ tên là Arleene Deihar ở Sidney. Cô tuyên bố rằng chồng cô, là một phi công của Hãng hàng không hoàng gia Pháp, đã chụp được hai tấm ảnh ghi lại những phần còn lại của chiếc tàu Nô-ê đang nằm trên một sườn núi A-ra-rát. Nhưng những tấm ảnh này không còn nữa … vì ông ta đã làm mất trong chiến tranh thế giới II khi bay trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ!
Vẫn còn những thất bại
Sự may mắn dường như mỉm cười với kỹ sư George Greene. Năm 1952, trong khi bay qua vùng núi A-ra-rát bằng trực thăng, ông ta nhìn thấy hình dạng một chiếc tàu nổi trên băng đá. Ông trở về và công bố một loạt ba mươi tấm ảnh chụp hình dạng tương tự hình dạng một chiếc tàu nằm ở khe núi, dưới một vực thẳm. Vui mừng trước khám phá của mình, ông ta tìm cách quyên góp tiền bạc tài trợ cho một đoàn thám hiểm đi thu thập thông tin, nhưng tiếc rằng, vài năm sau khi ông ta bị ám sát, toàn bộ thông tin thu thập được đã bị thất lạc, kể cả những tấm ảnh chụp hình chiếc tàu Nô-ê!
Năm 1955, một người Pháp tên là Fernand Navarre, cùng với hai phi công Thổ Nhĩ Kỳ, xác nhận đã đến tận nơi chiếc tàu Nô-ê. Nhưng lần này, họ đưa ra bằng chứng rằng đã thấy một thanh gỗ đen trám hắc ín, như Kinh Thánh nói là được dùng để đóng tàu. Khi người ta tin là đã tìm thấy những vật còn lại của chiếc tàu, thì thanh gỗ đen ấy đã được kiểm chứng bằng phương pháp các-bon 14 cho thấy rằng nó thuộc thế kỷ VI công nguyên!
Như chúng ta thấy, trước sự kiện mỗi lần có được một số những bằng chứng thì lại bị thất lạc hoặc thiếu cơ sở, bị nghi ngờ về những cuộc khám phá có đúng không, và thậm chí còn có những phản hồi chống lại những bằng chứng đó nữa. Thực ra, trong khi đoàn thám hiểm của Nga hoàng cho rằng chiếc tàu Nô-ê nằm ở phía nam núi A-ra-rát, thì George Green lại khẳng định đã chụp được chiếc tàu ấy ở mạn bắc núi này.
Thay vì ngọn núi, lại là một xứ sở
Vấn đề tất cả những bằng chứng nổi cộm đều bị gạt bỏ là vì các đoàn thám hiểm khởi đi từ những sai lầm ngay từ ban đầu mà suốt dòng thời gian ấy vẫn không được điều chỉnh cho đúng.
Thực ra, Sách Sáng Thế khi miêu tả lúc kết thúc lụt hồng thuỷ không nói tàu Nô-ê đậu lại trên núi A-ra-rát, nhưng nói đậu lại “trên vùng núi A-ra-rát” (St 8,4). Và theo Kinh Thánh, “A-ra-rát” không phải là tên gọi của một ngọn núi nhưng của một xứ như chúng ta thấy có ba nơi khác nhau đề cập đến (2 V 19,37 ; Is 37,38 ; Gr 51,27). Vậy A-ra-rát tương ứng với xứ sở nào? Đó là xứ U-ra-tu (Urartu) cổ xưa, tức là Ác-mê-ni-a hiện nay. Vì thế, tất cả các bản Kinh Thánh đều đồng thuận cách dịch chính xác là “trên vùng núi Ác-mê-ni-a”.
Do đó, Kinh Thánh không nói rõ cụ thể nơi đó, nhưng nói đến một nơi còn nhiều mơ hồ có thể là bất cứ nơi nào ở Ác-mê-ni-a nghĩa là cả một vùng rộng lớn. Và nếu chúng ta chỉ muốn nghĩ đến chỗ chính xác của ngọn núi, thì nó cũng phải rộng đến hơn 230 cây số.
Chiếc tàu Nô-ê có thật không?
Nhưng vấn đề được đặt ra trong Sách Sáng Thế là có phải Kinh Thánh muốn kể lại một sự kiện có thật, hay chỉ là câu chuyện dùng để răn dạy?
Qua cách thức kể về sự kiện ấy và việc đưa ra những tình tiết, thì tất cả nhằm hỗ trợ cho giả thiết thứ hai. Chúng ta hãy xem xét giả thiết thứ hai này.
Lúc đầu, ông Nô-ê nhận lệnh truyền của Thiên Chúa đóng một chiếc tàu dài 150 thước, rộng 25 thước, và cao 15 thước chia làm 3 tầng mỗi tầng cao 5 thước. Kích cỡ chiếc tàu này quá lớn giống như kích cỡ của một chiếc máy bay hiện đại, không giống mẫu thiết kế tàu từ thế kỷ XIX trở về trước.
Trình thuật tàu Nô-ê cho thấy thuộc thời tiền sử, khi người ta chưa biết sử dụng kim loại. Vậy làm sao có thể đóng một chiếc tàu lớn như thế mà không dùng đến kim loại?
Hơn nữa, cứ cho là cần đến một trăm người phụ giúp mới đóng xong tàu, thì làm sao chỉ có ông Nô-ê, ba người con trai ông và những người vợ của họ lại có thể đóng được chiếc tàu ấy?
Vấn đề thú vật trên tàu Nô-ê
Vấn đề khá thú vị và khó hiểu cần quan tâm là vấn đề liên quan đến các thú vật mà ông Nô-ê và các con cái của ông phải đưa vào tàu. Làm sao họ có thể tìm ra cứ mỗi loại một cặp để duy trì chúng khỏi tuyệt chủng? Phải chăng họ có thể đi khắp năm châu bốn bể để mang các thú vật về, trong khi mỗi châu lục cách xa đến 20 000 cây số?
Một vấn đề khó hiểu khác nữa đối với vấn đề trên, đó là trên mặt đất có đến 1 700 loại động vật, 10 087 loại chim chóc, 987 loại bò sát, và khoảng 1 200 000 loại côn trùng. Hơn nữa, nếu tính ra trong thời nay loại động vật có đến 15 000, loại chim chóc 25 000, loại bò sát 6 000, loài lưỡng cư 2 500, và gần 10 triệu loại côn trùng. Lại nữa, các nhà động vật học ước lượng có khoảng 5 đến 10 triệu loại động vật ở Bắc và Nam cực, trong các khu rừng rậm nhiệt đới hay dưới những lớp cát sa mạc mà các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ hay nhận biết được. Việc điều khiển chiếc tàu như thế cùng với mọi thứ kèm theo là một công việc không thể đảm đương được đối với gia đình Nô-ê.
Và làm thế nào tám người có thể cho một đoàn vật như thế ăn, uống hay lau dọn chăm sóc chúng được?
Ngoài ra, làm thế nào ông Nô-ê cùng với con cái ông có thể tạo ra môi trường thích hợp cho từng loài với những nhu cầu ăn uống tương xứng, vấn đề khí hậu và những nhu cầu thiết yếu khác, khi mà các nhà động vật học, bằng tất cả những kỹ thuật hiện đại, đã gặp rắc rối về việc duy trì sự sống cho một số loại thú vật bị nhốt lại như thế?
Cuối cùng, các nhà sinh thái cho rằng một loài động vật sẽ tuyệt chủng khi chúng chỉ còn khoảng 100 con. Chẳng hạn, gấu trúc được cho là tuyệt chủng vì chúng chỉ còn khoảng 1 000 con, một số lượng quá ít khó để hồi phục loại động vật này về lại tình trạng hoang dã. Vậy làm sao chỉ với một cặp sinh vật lại có thể phân tán ra khắp mặt đất này được?
Lụt hồng thuỷ
Theo Kinh Thánh, mưa đổ xuống 40 ngày và 40 đêm không ngừng (St 7,17). Nhưng chúng ta biết rằng theo thuỷ học thì chu trình bốc hơi nước sẽ sinh mưa, và lượng mưa ấy sẽ không thể mang lại lượng nước lớn như thế được.
Nếu vậy, lượng nước khổng lổ ấy sẽ tràn ngập cả trái đất này. Điều này dẫn đến việc tưởng tượng ra có một thời vào lúc đó trái đất được xem là một sân khấu bằng phẳng với kích cỡ bé nhỏ có mái che, tức là vòm trời, phủ kín càng làm cho lượng nước dâng lên nhanh hơn nữa. Mặt khác, chúng ta có dám quả quyết rằng với một bề mặt trái đất rộng 509 880 000 cây số vuông thì mưa ròng rã 40 ngày đêm có làm tràn ngập nước toàn trái đất này không?
Nếu cho rằng nước dâng lên phủ lấp núi cao nhất trên mặt đất là 7 thước (St 7,19-20), thì núi cao nhất mặt đất ấy hiện nay là núi Everest cao 8 846 thước. Như vậy, vì nước dâng lên cao thêm khoảng 9 thước nữa, nên toàn bộ biển cả phải dâng lên ở mức trung bình 222 thước trong ngày đó. Tuy nhiên, tất cả các nhà khí tượng học lại khẳng định rằng hiện nay nếu các đám mây trong bầu khí quyển ngưng tụ và cùng mưa khắp mặt đất, thì toàn trái đất này bị ngập không đến 5 xen-ti-mét nước.
Lại liên quan đến nước
Ngành sinh địa tầng học trong lãnh vực của mình đã không chấp thuận giả thuyết tất cả các loài trên hành tinh này chết cùng một lúc. Do đó giả thuyết này bị phản bác.
Khoa khảo cổ cũng chối khi cho rằng tất cả các loài trên hành tinh này vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu không thay đổi gì cả, như các loài ở Çatal Höyük thuộc Thổ Nhĩ Kỳ có từ năm 7 000 trước công nguyên, hoặc các loài ở Teleilat Gassul gần Biển Chết sau trận hồng thuỷ tương tự.
Còn các thảo mộc thoát khỏi nước ngập thế nào? Trình thuật không nói gì đến chúng cả. Và loài cá cũng không được đưa vào tàu để thoát chết chứ? Làm sao chúng lại không chết khi nước ngọt và nước mặn pha trộn với nhau?
Chỉ có một chuỗi liên tục các phép lạ mới có thể duy trì được sự sống cho tất cả những loài trên. Điều này không chắc chắn, vì trong Kinh Thánh các phép lạ chỉ nhằm gia tăng niềm tin cho con người, chứ không nhằm tiêu diệt con người.
Tại sao không nói đến sự kiện ấy trước tiên
Một loạt những phản bác này đã buộc chúng ta phải trả lời cho vấn đề ấy. Vẫn không có một trận hồng thuỷ khắp mặt đất nào. Kinh Thánh cũng không trình bày vấn đề này như một sự kiện lịch sử. Chúng ta cũng không thể phủ nhận có một trận hồng thuỷ hay một trận lụt rất lớn từ xa xưa, tuy nó không mang tầm cỡ toàn cầu, để huỷ diệt mọi hình thức sự sống, như Kinh Thánh nói.
Khi nghe câu trả lời này, có lẽ ai đó sẽ cảm thấy mình bị lừa và thắc mắc rằng tại sao Kinh Thánh lại không cho độc giả biết rằng Kinh Thánh không thuật lại điều gì đó cách chính xác nhằm tránh nhiều hiểu lầm sau này. Tuy nhiên, sự thật là tất cả các độc giả của câu chuyện này đều biết như thế. Chính ngôn ngữ và những hình ảnh minh hoạ cho thấy độc giả đã hiểu ngay được rằng họ không đối diện trước một tạp chí nói về lịch sử, mà trước một trình thuật nhằm khuyên dạy. Không cần phải bắt đầu trình thuật Kinh thánh với thông báo cho độc giả, cũng như ngày nay, khi ai đó đọc tiểu thuyết của García Márquez cũng không cần phải được thông báo ở trang đầu của cuốn tiểu thuyết rằng : “Bạn hãy chú ý, không cần phải tin vào điều sách này nói. Nó chỉ là chuyện hư cấu mà thôi.”
Chính chúng ta, với não trạng hiện đại, đang gán lịch sử tính cho một số trình thuật mà vốn chúng chẳng bao giờ có.
Điều lụt hồng thuỷ dạy
Do đó, tác giả không tìm cách trình bày một sự kiện lịch sử, nhưng trình bày một trình thuật nhằm răn dạy bằng việc truyền thụ một sứ điệp tôn giáo. Và nếu như nó được kể như là đã thực sự xảy ra, thì điều đó cũng không quan trọng lắm.
Điều đó có nghĩa rằng tác giả đã gặp gỡ được trong truyền thống ký ức về câu chuyện này và để cho truyền thống chịu trách nhiệm về tính xác thực hay sai lầm của câu chuyện. Tác giả không muốn chỉ giữ nó làm sở hữu riêng, nhưng muốn tạo nên một dữ liệu vô giá đã được chỉnh sửa để thông truyền một giáo huấn đạo lý.
Trình thuật lụt hồng thuỷ toàn trái đất nhắn gởi sứ điệp gì?
Trước hết, nó cho thấy điều xảy ra đối với tội lỗi của con người như thế nào. Những sự kiện ấy xảy ra trên toàn cõi đất, vào lúc những điều đó phá huỷ, làm xáo trộn trái đất, và gây ra đại hoạ. Mọi trật tự mà Thiên Chúa đã ấn định lúc sáng tạo vũ trụ này đã bị phá huỷ và được đặt định lại vì sự vô trách nhiệm của con người.
Vị tổ phụ thinh lặng nhưng lại có khả năng giáo huấn
Trong tất cả nhân loại tội lỗi ấy có một người công chính là ông Nô-ê. Thiên Chúa ra quyết định huỷ diệt loài người và cứu ông Nô-ê. Trước tiên, Người thử thách ông bằng việc truyền lệnh cho ông phải đóng một chiếc tàu lớn, nơi sa mạc hoang vu trên vùng đất khô cằn, và phải lưu lại tại nơi đó chờ đợi mà không cho ông biết lý do tại sao, nhưng chỉ toàn lệnh truyền mà thôi.
Chúng ta thử tưởng tượng một ông Nô-ê tội nghiệp đang làm trò cười cho những người đương thời của ông, và ông cũng chẳng biết phải đưa ra lý do nào khác cho họ hay ngoài lời này : “Thiên Chúa đã truyền lệnh cho tôi. Và điều Người truyền, tôi phải vâng phục.”
Ông đã cho chúng ta thấy được niềm tin và sự vâng phục của một con người lạ thường luôn tuân phục trong mọi sự mà trong suốt bốn chương của trình thuật không thấy ông lên tiếng một lời nào. Không có một nhân vật nào trong Kinh Thánh được nói đến như thế, và ông được xem như một người rất ít lên tiếng.
Sau cùng, Thiên Chúa đã mạc khải cho ông biết ý định của Người : “… Ta sẽ cho mưa trên mặt đất […] và sẽ xoá sạch khỏi mặt đất mọi loài Ta đã làm ra” (St 7,4). Sứ điệp này rất minh bạch ngay cả khi được kể bằng lối nói Cựu Ước. Thiên Chúa truyền lệnh, nhưng chính con người không vâng phục lệnh truyền ấy nên tự huỷ diệt chính mình. Chỉ khi vâng phục như ông Nô-ê, con người mới được cứu thoát. Hơn nữa, chính Thiên Chúa ấn định kích cỡ con tàu, vật liệu nào phải sử dụng, và cả cách thức đóng tàu. Điều này có ý nghĩa rằng người nào xây dựng đời mình theo khuôn mẫu Thiên Chúa sẽ đứng vững trước mọi bão tố. Còn người nào không nghe theo lời Người sẽ chết chìm trong đại hoạ.
Hiểu điều này thì quan trọng hơn là biết có mưa hay không mưa 40 ngày đêm và chiếc tàu đậu lại chỗ nào. Chúng ta nên đọc sách Sáng Thế chương 6 đến 9. Vì chúng ta không là những người cần phải leo lên núi A-ra-rát để tìm cho được chiếc tàu Nô-ê, nhưng chúng ta lại có nhiều khả năng ngụp lặn trong Lời Chúa để tìm cách sống sứ điệp của Người.
Trích trong Bạn Biết Gì Về Kinh Thánh?
Nguyên bản tiếng Tây Ban Nha: ¿Qué sabemos de la Biblia?
của ARIEL ALVAREZ VALDES
San Pablo, Madrid 1999
Chuyển ngữ: Mát-thêu Vũ Văn Lượng, OP