Linh mục Augustino Nguyễn văn Trinh - Người học trò của Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
“Tôi sẽ dùng những ngày cuối đời ngắn ngủi này để ăn năn, đền tội vì những bất xứng, chểnh mảng trong đời sống...”, đó là câu nói được nhắc đi nhắc lại nhiều lần của linh mục Augustinô Nguyễn Văn Trinh mỗi khi chúng tôi có dịp được thưa chuyện cùng cha. Vị linh mục vẫn vậy. Khiêm cung, sốt sắng. Cha hiện đi hưu ở nhà hưu dưỡng linh mục Chí Hòa, thuộc Tổng Giáo phận TPHCM. Tết này nữa, cha 82 tuổi. Nhắc về cha, ấn tượng với nhiều người không chỉ ở hình dáng bên ngoài dễ mến mà bởi những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đào tạo linh mục suốt 43 năm, sáng tác thánh ca, bên cạnh việc chăm lo đời sống giáo hữu. Ít ai biết rằng cha cũng từng là học trò của Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Cha được chính Đức Giáo Hoàng giảng dạy khi du học tại Áo thời trẻ…
Xem thêm: Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: rất khiêm nhu, rất vĩ đại
Những ngày này, đất trời chuyển mình, bên ngoài cánh cửa nhà hưu, người người háo hức còn dư vị của mùa Xuân. Bên trong, căn phòng cha tĩnh lặng, đơn giản như những phòng khác, như những vị mục tử đã tới tuổi để lùi về đang lặng lẽ một mình cũng tại nhà hưu. “Đâu chừng hai chục cha hưu đang ở đây. Tết tôi không đi đâu cả, có mấy anh em đến thăm, vậy thôi, già rồi”, cha nói, cuối câu cha cười lên một cách mãn nguyện. Đi qua một đời phục vụ nhiệt thành, ông cố chia sẻ vẫn thầm cảm ơn Chúa vì đã thương ban tuổi tác, nhất là sức khỏe, thì giờ mà ở lại với Chúa nhiều hơn “bù” cho hồi trẻ mải lo toan những sứ vụ bề trên giao phó. Cha dành nhiều thời gian trong ngày để cầu nguyện. Và bây giờ, trong những lời nguyện cầu ấy, có tâm tình dành riêng cho thầy - Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, nhà thần học lỗi lạc. Ngài đã tác động đến cha từ khi còn trẻ, để rồi sau này, được trở nên như thầy mình, mang sứ vụ giảng dạy, cha đem những giáo huấn tiếp thu thực hành với sự tiến bộ, thoáng cởi…
Ký ức kéo cha về thập niên 1960. Lúc này, cha chưa chịu chức, còn là Đại chủng sinh, vừa xong chương trình của ba năm học đầu thì được bề trên là Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình cử sang Áo du học: “Hôm ấy, được Đức Tổng gọi đến và sai đi học, tôi chỉ biết đáp hai tiếng xin vâng. ‘Dạ thưa Đức cha, con xin đi’. Dù rằng, mình cũng thú thực với Đức Tổng, từ thuở cha sanh mẹ đẻ chưa hề nghe, nhìn thấy một chữ nào tiếng Đức. Đức Tổng bảo đi, thì vâng lời”. Vậy là, một tháng sau cuộc gặp với đấng bản quyền, cha lên máy bay sang Áo, đang khi “chưa biết một chữ Đức”. Nhưng rồi, nhờ bền bỉ, kiên trì cố gắng, cha hoàn thành chương trình đào tạo, chịu chức linh mục năm 1971 và lấy bằng Tiến sĩ Tín lý vào ngày 15.12.1974, sau đó trở về Việt Nam.
Học tại Đại học Innsbruck, một trường lâu đời và danh giá của Áo, cha được thừa hưởng sự giáo dục từ những giáo sư danh tiếng. Một trong số đó là Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Hồi đó, ngài còn là vị linh mục nhưng đã có kinh nghiệm giảng dạy và ngài là giáo sư nổi tiếng bởi những tư tưởng thần học. “Ngài được mời dạy khắp nơi, dù ngài ở Munich - Đức. Từ Đức sang trường chỉ đi một mạch bằng xe lửa là xong. Những quyển sách thần học của ngài tiến bộ, đôi khi đụng chạm tư tưởng các nhà thần học khác. Ngài tuy còn trẻ nhưng được mời làm cố vấn Công đồng Vatican II, những điều đó là bằng chứng cho thấy sức ảnh hưởng của ngài”, cha hồi tưởng. “Nhớ về thầy, tôi cũng nhớ thêm sự vui tính, dí dỏm mỗi khi bắt đầu một vấn đề”, cha nói.
Các tác phẩm thần học do cha Augustinô biên soạn
Đức Giáo Hoàng dạy cha môn Cánh chung học. Cho tới bây giờ, nhiều thập niên sau, nhắc lại cha vẫn lắc đầu cho rằng đó là môn học ngán ngẩm với những chủng sinh. Tuy nhiên, với phong cách mới mẻ, phương pháp độc đáo, linh mục Joseph Aloisius Ratzinger ngày ấy đã mang đến cho các học viên những giờ học sinh động. Cha Trinh kể : “Điều ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với tôi ở thầy - Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là cách tiếp cận vấn đề. Khi bắt đầu một chủ đề gì, ngài thường lược thuật tất cả quan niệm của các nhà thần học trong tiến trình lịch sử Giáo hội. Không dừng lại ở đó, ngài đặt câu hỏi để gợi mở người học suy nghĩ về tính thực tại của vấn đề đó. Chẳng hạn như: con người ngày nay nghĩ gì về cái chết, nghĩ gì về sự sống lại? Sống lại là gì với họ? Trước khi có cuộc đấu tranh thực tại, Cánh chung học là tư tưởng đã khởi đi từ thời Đức Kitô, qua dòng phát triển của lịch sử hai mươi thế kỷ, các nhà thần học nhìn nhận ra sao? Và hôm nay, chúng ta nhìn nhận ra sao?”. Theo cha Trinh, khi được hướng dẫn như thế, các học viên thay đổi cách tiếp cận vấn đề, không thụ động mà biết phân định lại để có thể hiểu, áp dụng vào những tình huống cuộc sống, để giảng dạy, đối thoại với các tư tưởng ngoài Kitô giáo khi bàn bạc về Kitô giáo.
Xem thêm: ĐTC Phanxicô: Chúng ta không cô đơn, Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta
Với 43 năm làm giáo sư, linh mục Augustinô Nguyễn Văn Trinh đã viết hơn 40 đầu sách học thuật và lịch sử giá trị, phục vụ cho việc đào tạo linh mục của Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn nói riêng và của các chủng viện, dòng tu cả nước. Có thể nói, cha như người tiên phong giảng dạy một số môn học mà trước đó các Đại Chủng viện chưa có tài liệu giáo trình hoàn chỉnh. Cha nhớ lại những cuộc họp ban giảng huấn ngày trước: “Nhân sự giảng dạy mấy chục năm trước làm gì có nhiều. Hoàn cảnh cuộc sống khiến mọi thứ thiếu thốn, khó khăn. Có khi đang dạy ngon lành phần Tín lý, vốn là chuyên môn mình tìm hiểu kỹ càng nhất, thì giáo sư dạy môn khác đau yếu. Ban giảng huấn họp lại, thảo luận, phân công cho mình. Vậy là mình nhận và rốt ráo tìm tài liệu, đọc từ các nguồn, với sẵn kiến thức đã tích lũy lại viết ra giáo trình phục vụ cho nhu cầu. Ngày đó, các thầy thiếu thốn tài liệu, mình phải chịu khó nghiên cứu, viết đêm viết ngày để kịp”. Dầu vậy, cha khẳng định phảng phất trong những giáo trình của mình là cách hướng dẫn của người thầy - vị nguyên Giáo Hoàng vừa được Chúa gọi về vào ngày cuối cùng của năm 2022. Bởi lẽ, “nội dung từng vấn đề thì khác nhau, còn phương pháp xem xét là nguyên tắc”, cha lý giải.
Một tháng trôi đi, từ sau khi Đức Bênêđictô XVI qua đời, mỗi ngày, cha âm thầm cầu nguyện, lần chuỗi cho thầy mình. Cha cảm nghiệm: “Nhìn lại hành trình dâng hiến, tôi tạ ơn Chúa vì Chúa đã mang cho tôi cơ hội được học với ngài, một người thầy vĩ đại, sâu sắc, tâm huyết hết lòng. Nhờ đó, về sau, trong mục vụ và trong cảm thức thiêng liêng mình luôn biết nhận định lại”.
Học trò của cha Augustinô Nguyễn Văn Trinh là nhiều thế hệ linh mục, phần đông ở Sài Gòn, có cả Mỹ Tho, Phú Cường…, trong đó có 3 vị được chọn làm Giám mục, gồm Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh; Đức cha Phó giáo phận Bắc Ninh Giuse Đỗ Quang Khang; và Đức cha Phụ tá TGP TPHCM Giuse Bùi Công Trác. Trong quá trình mục vụ, song song việc giảng dạy, cha còn kinh qua nhiều giáo xứ và để lại những dấu ấn khó phai. Ví như là phó xứ Tân Định (quê nhà) 10 năm. Lúc này, cha có thời gian phụ giúp linh mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi, sau là Giám mục giáo phận Phan Thiết và Giám quản Tông tòa TGP TPHCM. Cha làm chánh xứ Phaolô 3 sau đời cha Roberto Nguyễn Thiện Tâm tiên khởi. Giáo dân xứ này biết ơn cha nhờ những nỗ lực dựng xây cộng đoàn, đặc biệt là thực hiện công trình xây nhà thờ bởi ngôi nhà thờ cũ vào thời điểm đó đã xuống cấp trầm trọng, mỗi lần mưa xuống, bà con đi lễ bị ngập. Năm 1991, khi hoàn tất ngôi thánh đường giáo xứ Phaolô 3, bề trên giáo phận cử cha về coi sóc giáo xứ Vĩnh Hội cho đến ngày đi hưu. 31 năm gắn bó với bà con Vĩnh Hội đọng lại trong cha nhiều kỷ niệm, hễ có dịp gợi nhắc, vị mục tử liền nhớ ngay: “Mình về đó, mở trường tình thương nuôi dạy trẻ em nghèo khổ, con nhà khó khăn..., rồi mình xây nhà thờ Vĩnh Hội cho khang trang, tươm tất để giáo dân đi lễ”. Hơn ba chục năm, cha chia sẻ hãy còn nhiều điều đáng nhớ về tình cảm giáo dân đáng trân quý, về những nhiệt tình, chân thành trong xứ đạo. Đến nơi nào, cha cũng dốc hết mình để chăm sóc đoàn chiên đã được ủy nhiệm.
Hồi hưu, cuộc sống của cha Trinh hiện tại có phần thư thả hơn. Những nỗi nhớ về bổn đạo cũ, về người thầy xưa, hay ngày tháng đèn sách rồi giảng huấn đan xen. Ngày ấy trăm mối bận, có lẽ vì vậy nên giờ này cha bảo “ở lại với Chúa để đền tội”. Dù ngẫm ra, biết rằng, những nỗi lao tâm suốt quãng đường linh mục của cha đều dành phục vụ mọi người.
Hùng Luân (Báo cgvdt)
Tác phẩm mới nhất của linh mục Augustinô Nguyễn Văn Trinh
Cuộc thương khó của Đức Giêsu Thành Nazareth đang được bán tại tủ Sách thần học NHÀ SÁCH CÔNG GIÁO VIỆT NAM