Đức Mẹ Tà Pao là một trong những công trình kiến trúc của Công Giáo lớn nhất Việt Nam được khánh thành vào 13/5/2007, là địa điểm hành hương mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến du lịch tại Bình Thuận nói riêng và miền Nam nói chung. Các giáo dân của đạo Công Giáo sẽ tràn về đây mỗi năm để bày tỏ lòng kính trọng và tôn sùng đối với Đức Mẹ và làm lễ cầu nguyện tại quảng trường Đức Mẹ Tà Pao. Về tên gọi Tà Pao hay Đức Mẹ Tà Pao có tên tiếng Pháp là Notre Dame de Ta Pao, tên được đặt theo tiếng của những người dân tộc K’Ho có nghĩa là “Một giấc mơ đẹp”. Tà đẹp theo nghĩa linh thiêng, Pao giấc mơ. Nhưng khi viết hay phát tâm thường sẽ giống như Tàmpao nghĩa là Suối mơ.
LỊCH SỬ ĐỨC MẸ TÀ PAO
Điểm Hành Hương Thánh tượng Đức Mẹ Tà Pao thuộc địa bàn Giáo Hạt Đức Tánh, Giáo Phận Phan Thiết. (Xã Đồng kho, Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận).
Trước năm 1975, do hoàn cảnh chiến tranh, giáo dân tại đây phải đi sơ tán khắp nơi, nên Tượng đài Đức Mẹ Tà Pao không được chăm sóc, bảo quản. Sau biến cố 1975, vào khoảng tháng 10-1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng Kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm, cùng giáo dân xứ Nghị Đức đã tìm lại được Thánh Tượng, nhưng trong tình trạng đầu- tay- chân bị bể nát.
Cuối tháng 6-1991, được sự cho phép của Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Giám Mục Phan Thiết lúc bấy giờ và sự động viên của Linh mục FX Đinh Tân Thời - quản xứ Duy Cần, giáo dân tại đây đã nhờ điêu khắc gia Lê Phát (giáo xứ Ngũ Phúc, Xuân Lộc) sửa chữa, làm mới lại Tượng Mẹ. Ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao chính thức ngự trị trên ngọn núi Tà Pao.
Tà Pao là tên một ngọn đồi thấp nằm trong dãy Trường Sơn, thuộc huyện Lạc Tánh, tỉnh Bình Thuận. Theo giáo truyền thì địa danh này thuộc địa phận Phan Thiết. Trên độ cao khoảng 80 đến 100 mét của đồi Tà Pao này hiện có Tượng Đức Mẹ, mặt hướng về các con lộ đi Phương Lâm, Tánh Linh và Bình Thuận. Tượng Đức Mẹ đúc bằng xi măng trắng cao 3m, đặt trên một bệ vuông cao 2m. Tượng đã được Xức Dầu Thánh Hiến vào ngày Lễ Đức Mẹ Đồng Trinh 08-02-1959. Thời gian vừa qua, Tượng Đức Mẹ Tà Pao đã xảy ra một số sự kiện, mang dấu chỉ sự hiện ra của Đức Mẹ. Chúng tôi xin lược ghi lại các sự kiện đó theo rất nhiều thị nhân chứng kiến thuật lại, hầu chúng ta củng cố thêm niềm tin yêu vốn có của chúng ta đối với Mẹ Nhân Lành.
DIỄN TIẾN CÁC DẤU CHỈ CỦA MẸ TÀ PAO
Ngày 15-08-1999, lúc 12g45 phút, bốn em học sinh tên Mỹ Hiền, Tuyết Nhung, Hồng Nhung và Bích Trâm đang chơi trước sân trường tiểu học (dưới chân đồi) thì thấy một đám mây lớn sáng hồng ở giữa có hình Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng, đầu đội triều thiên rực rỡ, chung quanh đám mây có rất nhiều chim bồ câu bay lượn. Đức Mẹ cử động và nhìn các em một cách trìu mến. Thấy vậy các em vào lớp gọi cả trường ra coi. Một số thầy cô cũng ra, họ thấy rõ và về nhà kéo nhiều người cùng ra xem. Sau một lúc, Đức Mẹ bế Chúa về hướng Tà Pao bỏ Chúa xuống, chắp tay đi khuất vào lưng chừng đồi. Từ đó trở về sau, dân quanh vùng ban ngày thì nhìn thấy một đám mây rất lớn dáng hình Đức Mẹ bế Chúa đứng trên đồi, ban đêm thì thấy một vì sao lạ xuất hiện trên núi đồi Tà Pao. Tin đồn lan xa, mọi người từ mọi phương không kể già trẻ, giàu nghèo, yếu khoẻ, đủ mọi thành phần, đủ mọi tôn giáo đã lũ lượt kéo về ngắm nhìn và cầu xin Mẹ. Nhiều người đã được thấy một cách rõ ràng, nên tìm cách đi sâu vào rừng, trèo lên cao và theo hướng ngôi sao chỉ dẫn đã tìm thấy tượng Đức Mẹ để hoang phế bao năm và bị đập phá rất thương tâm. Những người thấy đầu tiên đã chắp vá lại những loang lổ. Thế là tin đồn về Tượng Đức Mẹ được tung ra, người người càng ngày tiến về càng đông. Ở đây, Đức Mẹ đã luôn luôn cho các dấu chỉ lạ về Mẹ và ban ơn cho nhiều người được theo ý nguyện khi có lòng đến đây cầu xin Mẹ.
Ngày 13-10-1999
Đức Mẹ hiện ra uy nghi sáng láng bay từ trời cao xuống, áo Mẹ như dạ quang lung linh, đầu đội triều thiên rực rỡ, chung quanh Mẹ hàng triệu vì sao lấp lánh. Mẹ đứng trên đám mây hồng rực sáng nhìn đoàn con rất trìu mến. Mẹ để cho mọi người nhìn ngắm Mẹ và đã có rất nhiều máy quay phim, chụp ảnh ghi lại những hình ảnh này. Sau đó, Mẹ bay về hướng núi Tà Pao và ẩn vào tượng đài. Cùng ngày, lúc 16giờ, Mẹ lại hiện ra đứng trên cao, chân không mang hài. Mẹ đi đi lại lại, lúc khuất sau rặng cây, lúc ngay sát đoàn người dưới chân đài. Hình như Mẹ muốn nâng đỡ các con của Mẹ đang phải vất vả trèo từng nấc thang để lên gần Mẹ. Thời gian Mẹ hiện ra kéo dài tới 18g15phút (hơn hai giờ) Mẹ mới ẩn lại tượng đài. Lần này có khơảng 100.000 người hiện diện và chứng kiến.
Ngày 04-11-1999
Lúc 4giờ 50 phút sáng, Mẹ hiện ra huy hoàng, bao tinh tú biến mất, ánh hào quang chiếu át cả tia sáng bình minh, áo Mẹ như những viên ngọc bích chiếu sáng rực rỡ. Từ trời, Mẹ bay xuống giữa những tia hào quang. Mặt Mẹ rực sáng và đẹp lộng lẫy không ai có thể tả được. Mọi người sung sướng và kêu lên : Mẹ đẹp quá, đẹp quá Mẹ ơi ! Mẹ dịu hiền nhìn đoàn con. Tới 5giờ 45 phút Mẹ bay về hướng tượng đài.
Ngày 08-12-1999
Vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ hiện ra với rất đông người trong đó có các Linh mục và Tu sĩ nam nữ. Cũng như mọi lần, Mẹ đẹp và hiền dịu vô cùng. Mẹ nhìn đoàn con của Mẹ từ muôn phương kéo về đây. Mẹ thương và hình như Mẹ muốn nói gì nhưng Mẹ lại thôi. Ai ai nhìn thấy Mẹ là ngây ngất, chẳng còn biết mình đang ở đâu và làm gì. Miệng cứ líu lại, nước mắt cứ tràn ra. Mẹ nghiêng mình qua lại như thể nhìn ngắm các con của Mẹ một hồi lâu, rồi quay về tượng đài.
Từ ngày đó đến nay, cứ những ngày Lễ về Mẹ và những ngày 13 mỗi tháng, Mẹ lại cho một dấu chỉ hoặc một phép lạ cho con cái Mẹ thấy mà tin. Đặc biệt nhất là đến đây xin điều gì đều được Mẹ nhận lời.
Mới đây nhất vào ngày 03-06-2000, một đoàn hành hương về mừng Đức Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu đã ghé qua Mẹ Tà Pao cầu nguyện. Trong đoàn có một Linh mục, ba người không có đạo nhưng ước ao được thấy sự lạ tại Tà Pao. Đức Mẹ đã thương đoàn, đúng 1giờ 15 phút, giữa bầu trời núi rừng âm u lại kèm theo thời tiết đang có dông bão. Trong đêm tối mịt mù, Mẹ đã hiện ra sáng tỏ. Năm mươi người trong đoàn đều thấy Mẹ nghiêng mình qua lại chừng 15 phút rồi đứng yên. Tượng Đức Mẹ tỏa hào quang cho tới sáng. Vị Linh mục vì quá xúc động nên đã quỳ xuống và sám hối cùng Mẹ. Sau đó, đúng 4giờ 15 phút sáng có ba vì sao chiếu sáng ba hướng. Một vì sao xanh từ từ di chuyển và nhập vào Mẹ, còn hai vì sao kia vẫn sáng tỏ cho tới 5 giờ mới tắt.
Mọi người trong đoàn đã tỏ ra vô cùng phấn khởi và ao ước một ngày rất gần sẽ lại được đến với mẹ. Ra về trong lòng hân hoan mong chóng tới nhà để loan báo cho mọi người hay về những gì mình đã thấy, để họ cùng tôn vinh Mẹ Tà Pao dịu hiền. Riêng ba chị chưa có đạo, từ lúc gặp Mẹ ở Trà Kiệu, La Vang, Tà Pao luôn ôm chặt lấy chân Mẹ mà khóc với những giọt nước mắt hoan ca và hạnh phúc, các chị chẳng muốn rời Mẹ. Chúng tôi hỏi các chị rằng :” Các chị đã thấy gì và có cảm nghĩ gì xin nói cho đoàn nghe ?” Các chị tươi cười và nói :” Chúng em có phúc hơn các anh các chị rất nhiều. Mẹ đẹp tuyệt vời không thể tả được, chúng em phải lên đây với Mẹ nhiều lần nữa mới được. Mẹ Maria, Mẹ Tà Pao chúng con cảm ơn Mẹ muôn muôn đời !”
Ngày 23-07-2000
Giữa lúc một đoàn hành hương đang quỳ đưới chân Mẹ để cầu nguyện, thì mọi người đều thấy hình như Đức Mẹ khẽ gật đầu. Thấy vậy họ chăm chú hơn, nhìn lên mặt Mẹ và nhận ra Mẹ đang khóc, hai dòng nước mắt từ từ chảy xuống. Tuy nhiên, trong lúc Mẹ khóc, miệng Mẹ lại rất tươi, tóc và lông mày đen nhung đẹp vô cùng.
Một điều mà ai đến với Mẹ trước đây đều phải xác nhận đó là một phép lạ phi thường Mẹ đã làm. Lúc đó,con đường dẫn đến chân đồi gồ ghề, lởm chởm, các cây cầu ọp ẹp, khách hành hương phải xuống xe đi bộ. Trời mưa thì bùn lầy lội, trời nắng thì bụi bẩn, hai bên đường đều hoang vắng. Muốn lên đến tượng đài Mẹ phải trèo lên một cái dốc thẳng đứng, trơn trượt. Người ta phải căng dây và nhờ người đỡ mới lên được. Nhưng chỉ trong 6 tháng, tất cả mọi sự đã đổi thay. Ngày nay, mọi con đường dẫn vào tượng đài Mẹ đã khang trang, mọi cây cầu đã được làm mới. Khách hành hương được tự do dâng lên Mẹ những đoá hoa tươi thắm, thắp sáng trưng cả khu đồi bằng những ngọn nến, tự do tổ chức các cuộc cầu nguyện tập thể và có Linh mục hướng dẫn cầu nguyện, ban phúc lành ngay tại tượng đài. Người ta có thể chụp ảnh, quay phim thoải mái. Chính quyền còn phụ lực tổ chức các nhà trọ đủ tiện nghi dưới chân đồi cho khách hành hương. Đó không phải là một phép lạ phi thường Mẹ đã làm sao ? Chúng con cảm tạ Mẹ muôn đời.
TPHCM ĐẾN ĐỨC MẸ TÀ PAO BAO NHIÊU KM
Nếu bạn xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, lấy khoảng cách từ Bến Xe Miền Đông cũ (TP HCM) đến Đức Mẹ Tà Pao quảng đường khoảng 171 km theo hướng Đông Bắc, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 120km về hướng Tây Nam, thông thường mất khoảng 3giờ 30 phút di chuyển từ TP HCM, quảng đường đi sẽ từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Long Thành, qua Dầu Giây/ĐCT01, QL 1A và QL 55 sẽ đến xã Đồng Kho, nơi có tượng đài Đức Mẹ Tà Pao.
Nếu bạn lo sợ hoặc không may bị lạc đường trên đường đến với Đức Mẹ Tà Pao, đừng ngại ngầng mà hãy hỏi người dân ở xung quanh đường đến với Đức Mẹ, bạn sẽ được tận tình hướng dẫn đến đúng địa điểm một cách nhanh nhất.
GIỜ LỄ ĐỨC MẸ TÀ PAO
- Giờ lễ tại nhà nguyện: 5 giờ mỗi ngày
- Giờ lễ tại Linh đài Đức Mẹ: 8 giờ hằng ngày
- Riêng thứ Bảy hàng tuần diễn ra vào các giờ: 8 giờ, 16 giờ và 20 giờ
- Chủ Nhật diễn ra vào: 5 giờ, 8 giờ, 10 giờ, 16 giờ.
- Giờ lễ vào ngày 13 hàng tháng theo thứ tự sau:
6:30: Giờ khấn
7:00: Thánh Lễ đồng tế
16:30: Cầu nguyện lòng chú thương xót, dâng hoa
17:00: Thánh lễ
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀ PAO
Kể từ đầu năm 2000, nhiều đoàn người hành hương tuôn về núi Tà Pao để kính viếng Đức Mẹ. Từ đó đến nay, nhiều người đã tường thuật lại những câu chuyện lạ và ơn lạ xung quanh tượng Đức Mẹ Tà Pao.
Ngày 13 tháng 8 năm 2006, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Phan Thiết cử hành Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng công trình Đức Mẹ Tà Pao trên địa bàn Giáo Hạt Đức Tánh, Giáo Phận Phan Thiết.
Từ đây, ngọn núi cao dốc đứng, nơi có pho tượng Đức Maria mà Đức Cha Marcello Piquet Lợi, Giám Mục Nha Trang làm phép vào ngày 8 tháng 12 năm 1959, và sau 40 năm bị bỏ quên, âm thầm trong rừng rậm, trở thành điểm quy tụ của hàng ngàn người, không phân biệt tôn giáo, không giới hạn địa dư… tề tựu về hạt Đức Tánh, Phan Thiết, vào những ngày 13 trong tháng, bước đi trên những bậc tam cấp bằng đá để lên núi với Mẹ.
Ngày 13 hàng tháng vẫn thường có Thánh Lễ do Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết cử hành trên núi hoặc dưới chân núi. Có ước tính từ 3.000 đến 5.000 người tham dự. Riêng các ngày 13 tháng 5 và 13 tháng 10 số người đến kính viếng Đức Mẹ và tham dự Thánh Lễ lên đến hơn 10.000 người.
Thánh Đường Tà Pao có diện tích 1.000m2, theo mô hình Nhà Thờ Đức Mẹ Lộ Đức.
Hiện nay, tượng Đức Mẹ Tà Pao và khu vực khuôn viên đã được chính quyền tỉnh Bình Thuận cho phép Tòa Giám Mục Phan Thiết tiến hành trùng tu. Lễ đài được xây dựng trên nền cũ với diện tích 200m², còn đường lên tượng đài được xây mới dài 250m, rộng 2m, trên 400 bậc. Công trình được khánh thành vào ngày 13 tháng 5 năm 2007, và chính thức có tên gọi Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tà Pao. Năm 2009, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức “Năm Thánh Đức Mẹ Tà Pao” để kỷ niệm 50 năm khánh thành bức tượng. Sự kiện này thu hút rất đông khách hành hương đến khu vực này mỗi tháng.
Lòng sùng kính Đức Mẹ nói chung và cách riêng đối với Đức Mẹ Tà Pao không chỉ dựa vào cảm tính và sốt sắng nhất thời, nhưng nó được bảo đảm và hướng dẫn bởi những lời giáo huấn của Giáo Hội theo tinh thần Công Đồng Vatican II:
“Giáo Hội cũng khuyến khích mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và những việc đạo đức nhằm suy tôn ngài và đã được quyền giáo huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ... hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm, cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi quá đáng... Các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại mọi sự dễ tin phù phiếm, nhưng phải phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta, lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta”.
KINH ĐỨC MẸ TÀ PAO
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí ái, chúng con chúc tụng Chúa vì từ đời đời Chúa đã chọn Đức Mẹ Maria là mẹ, hạ sinh con Thiên Chúa làm người cho chúng con, và đã tôn vinh Người làm Nữ Vương và là Mẹ chúng con, để nhờ Mẹ Chúa yêu thương và chăm sóc đoàn con đang lữ hành dưới thế.
Chúng con tạ ơn Chúa đã thương nhận núi rừng Tà Pao, nay làm linh địa để Mẹ gặp gỡ chúng con, và qua Mẹ chúng con gặp gỡ được chính Thiên Chúa nơi tận sâu thẳm lòng mình. Và để tại nơi đây, Mẹ chuyển trao lòng thương xót Chúa cho tất cả mọi những ai đang đau khổ tinh thần cũng như thể xác, biết hết lòng tin tưởng chạy đến khẩn cầu cùng Mẹ.
Lạy Đức Mẹ Tà Pao, giữa thế giới hôm nay đang ngày càng có xu hướng tục hóa, sống hưởng thụ và vị kỷ, lo âu sợ hãi và bạo lực, hận thù chiến tranh. Chúng con thành tâm chạy đến cùng Mẹ, xin Mẹ dạy chúng con biết hết lòng phụng thờ Thiên Chúa, lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, yêu thương và phục vụ theo tinh thần Tin Mừng, tôn trọng mạng sống. Vì phẩm giá con người cùng nhau xây dựng trời mới, đất mới.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí ái, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, luôn luôn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh ở đời, sống thanh sạch, khiêm tốn, vị tha, dấn thân phục vụ, suốt cuộc đời hết lòng kính mến Chúa và yêu thương tha nhân, để được cùng Mẹ hưởng hạnh phúc vĩnh hằng trong Chúa. Amen.
NHỮNG ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH LÂN CẬN GẦN KHU VỰC ĐỨC MẸ TÀ PAO:
1. Khu du lịch Sinh Thái Thác Bà Tánh Linh
Địa chỉ: xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận
Khu du lịch Sinh Thái Thác Bà Tánh Linh nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông, nằm cách Đức Mẹ Tà Pao khoảng 25km. Nơi đây sở hữu thiên nhiên trong lành với hương vị của núi rừng mang lại cảm giác sảng khoái mà mát mẻ khi đến đây. Vẻ đẹp của núi rừng cùng với những dòng thác nước sừng sững giữa núi rừng cùng với âm thanh vang vọng của chim chóc, nước chảy sẽ đưa bạn như lạc vào một khung cảnh của vùng quê thanh bình và yên ả.
2. Hồ Biển Lạc
Địa chỉ: xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận
Hồ Biển Lạc cách Đức Mẹ Tà Pao khoảng 30km được ví như một bức tranh thủy mặc êm đềm và bình yên, được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên trù phú tại Hồ Biển Lạc, xung quanh hồ là những khu rừng già nguyên sinh và rừng cao su rộng lớn cùng với hệ sinh thái phong phú gồm những loại chim quý như công, trĩ và nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao,..
HÌNH ẢNH ĐỨC MẸ TÀ PAO
(Sachconggiao.vn sưu tầm)