Lịch sử và ý nghĩa Tháng Hoa kính Đức Mẹ
Có lẽ, không một ai trên Đất Việt là người Công Giáo mà lại không biết đến tháng Năm là tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ. Thật vậy, sinh hoạt tôn giáo tại các giáo xứ từ Bắc –Trung –Nam, cứ mỗi dịp tháng Năm về, ấy là lúc muôn con tim dạo rực hướng về Mẹ Maria như một ngọn hải đăng để tỏ lòng tôn kính, mến yêu.
Trong số vô vàn cách tỏ bày lòng tôn kính đối với Đức Mẹ nơi con dân Nước Việt, thì lòng đạo đức bình dân như: dâng hoa kính mẹ; rước kiệu Mẹ; lần chuỗi Mân Côi; rồi những bài thánh ca hết sức dễ thương được cất lên để tôn vinh Mẹ là Nữ Hoàng Thiên Quốc.
Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào tháng Hoa. Tháng Hoa đối với Giáo Hội Công Giáo mang một ý nghĩa đặc biệt vì nó được dành riêng để tôn vinh Mẹ Chúa Trời.
Tháng Hoa đối với Giáo Hội Công Giáo mang một ý nghĩa đặc biệt. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc và lịch sử của Tháng Hoa.
Xem thêm: Kinh Mân Côi - Nguồn gốc và lịch sử phát triển
Lịch sử tháng Hoa kính Đức Mẹ
Vào những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.
Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên. Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú. Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh”. Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.
Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.
Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.
Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.
Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.
Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.
– Đức Giáo hoàng Piô 12, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.
– Đức giáo hoàng Phaolô 6, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:
“Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để ” bày tỏ niềm tin và lòng kính mến, tình yêu mà người Công Giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.
Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236)
Xem thêm: Những ngày lễ trong năm mừng kính Đức Mẹ Maria
Ý nghĩa của tháng Hoa kính Đức Mẹ
-Mẹ Maria cũng được ví như người nữ tuyệt vời, đẹp nhất trong muôn ngàn phụ nữ, Mẹ đẹp tâm hồn, Mẹ đẹp thân xác. Vì thế, nơi hoa tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, tượng trưng cho các nhân đức nơi Mẹ. Đồng thời, những sắc màu của hoa tượng trưng cho Mẹ là Mẹ muôn loài khi đón nhận vai trò làm Mẹ Thiên Chúa.
-Đức Mẹ còn được ví như Hòm Bia của Thiên Chúa, mà hoa lại là vật được dùng để trang trí cho Hòm Bia Giao Ước thời Cựu Ước. Như thế, Đức Mẹ luôn ở bên Thiên Chúa. Và hoa lại ở bên Mẹ…!
-Hẳn chúng ta còn nhớ, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho Môsê làm những nụ và cánh hoa để trang trí nơi cây đèn 7 ngọn đặt trước Hòm Bia Giao Ước. Hay như Salomon, ông đã ra lệnh cho nghệ nhân điêu khắc những cánh hoa bên trong và bên ngoài để trang trí nơi Cực Thánh trong đền thờ.
-Bắt nguồn từ đó, hoa trong phụng vụ hay truyền thống của người Công Giáo luôn được coi trọng. Nó được dùng để trang hoàng cung thánh, bàn thờ hay để tỏ lòng tôn kính với các vị thánh, đặc biệt là Đức Mẹ. Tức là hoa được dùng vào vị trí trang trọng trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội.
-Mẹ Maria được ví như bông hoa thơm ngát trước tòa Chúa, nhưng trước đó Mẹ cũng là những con người rất đỗi bình thường như bao người phụ nữ khác. Tuy nhiên, được Thiên Chúa tuyển chọn, và qua tiếng “Xin Vâng” nên Mẹ đã trở nên tuyệt mỹ hơn muôn ngàn phụ nữ. Mẹ đã trở nên đóa hoa thơm ngát trước Ngai Thiên Chúa. Mẹ đã trở nên đóa hoa độc nhất vô nhị của thế giới loài người. Tại sao lại như thế, thưa chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và như một sự tất yếu, Mẹ là Mẹ loài người.
-Nhờ ơn Chúa, Mẹ đã trở nên đóa hoa kiệt tác như: ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn đồng trinh trọn đời, Mẹ Thiên Chúa, Hồn xác lên trời và Mẹ như “hoa hường mầu nhiệm vậy”.
Xem thêm: Sách - Nói với con về Mẹ Maria
Ý nghĩa của việc dâng Hoa kính Đức Mẹ
Các nhà thờ thường hay tổ chức dâng hoa kính Mẹ, lúc này, mỗi màu hoa lại tượng trung cho một nỗi lòng của con cái muốn dâng lên Mẹ, hay ca ngợi một nhân đức nào đó của Mẹ. Như vậy, Hoa biểu trưng cho lòng Mẹ và cũng là biểu trưng của lòng con người:
Hoa huệ trắng biểu trưng sự trong sạch khiết trinh nơi Mẹ;
Hoa hồng diễn tả lòng mến nồng nàn mà Mẹ dành cho Chúa;
Hoa lan toát lên sự trung thành, mạnh mẽ và can đảm nơi Mẹ;
Hoa sen tượng trưng phó thác, đại lượng và cung kính nơi Mẹ;
Hoa có màu tím tượng trung cho sự khiêm tốn …
Người Việt Nam chúng ta khi biết ơn ai, hoặc kính trọng ai, thường hay biểu cảm qua bó hoa hay bông hoa. Cũng vậy khi đón nhận được ơn lành từ Trên ban, người ta cũng dâng tạ bằng những bông hoa. Với người Công Giáo, những biến cố quan trọng trong đời sống đức tin như: khi Rửa tôi; Thêm Sức; lãnh nhận Hôn Phối; hay Truyền Chức thánh, người ta cũng tặng hoa cho những người được mừng, và ngay cả khi chết, người ta cũng biểu đạt bằng hoa trên quan tài, bên di ảnh hay nơi mộ phần. Hay khi gặp rủi ro, tai nạn, bệnh tật, khi hết bệnh, người ta cũng dâng hoa để tỏ lòng biết ơn với Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh…
Riêng với Đức Mẹ, người dân Việt Nam có lòng sùng kính đặc biệt. Từ khắp nơi, mọi thành phần, lứa tuổi, đều hân hoan, nô nức dâng kính Mẹ những đóa hoa tươi thắm mối dịp tháng Năm về.
Tuy nhiên, hoa được dùng để qua đó, diễn tả hoa thiêng cõi lòng của con người. Hoa sẽ tàn phai, héo úa, lòng người cũng sẽ tàn phai và ủ rũ nếu không đón nhận được sứ điệp từ những việc đạo đức này.
Xem thêm: Cha mẹ Công Giáo dạy trẻ sống theo gương sáng Đức Mẹ Maria
Lòng sùng kính Đức Mẹ đem lại hy vọng được sự sống đời đời
Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Trong nhiệm cục ân sủng, kể từ khi Mẹ tin tưởng ưng thuận trong ngày truyền tin, sự ưng thuận mà Mẹ đã kiên quyết giữ trọn cho đến bên Thập Giá. Đức Maria tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời …. Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian”
Vì Mẹ là Mẹ của Đầu thân thể mầu nhiệm Hội Thánh là chính Đức Giêsu và là “mẹ của nhân loại” , và, Đấng Cứu Thế đã mang lấy đau khổ của mọi người thì Mẹ Maria, Đấng đồng công cứu chuộc, đã chia sẻ hơn ai hết các hậu quả tai ác của tội lỗi nhân loại khi đảm nhận sứ mệnh làm Mẹ Đấng Cứu Thế: “Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”.
Tuy nhiên, vai trò Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian của Đức Mẹ phải gắn liền với Đức Giêsu Đấng là khởi nguyên và cùng đích của mọi điều thiện hảo.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng minh định: “Trinh nữ Maria được công nhận và tôn kính là Mẹ đích thực của Thiên Chúa và của Đấng Cứu chuộc… Mẹ cũng thật sự là ‘Mẹ các chi thể Chúa Kitô’… vì Mẹ đã cộng tác bằng đức ái của mình vào việc sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh, là những chi thể của Đức Kitô là Đầu. Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, là Mẹ của Hội Thánh”
Việc sùng kính Đức Maria còn bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi vì: nhờ Người, với Người và trong Người, mọi vinh quang, danh dự đều quy về Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, những biểu hiện tỏ lòng tôn kính Mẹ Maria cần phải dẫn đến việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.
Vậy, là những người con từng được Mẹ yêu thương phù trì, chở che, chúng ta đừng bao giờ dám quên ơn Mẹ. Hãy cùng nhau sốt sắng dâng lên Mẹ trong Tháng Hoa này, những đóa “hoa lòng” thánh thiện: Những việc lành, những nghĩa cử bác ái đối với đồng loại, những kinh nguyện chung riêng. Như thế, Mẹ Maria không chỉ là “nhịp cầu” dẫn đưa chúng ta trở về với Cha Trên Trời mà còn nối kết chúng ta lại với nhau bằng tình yêu đích thực, bằng sự liên đới huynh đệ.
Xem thêm: Tổng hợp những tước hiệu của Đức Mẹ Maria
Một mẫu chuyện cũ đáng suy nghĩ:
Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.
Năm ấy, đầu tháng Hoa kính Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.
Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.
Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:
- Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?
Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?!
- Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.
Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.
(Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10)
Xem thêm: Nên đọc kinh hay cầu nguyện
Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân Côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn… chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa. Vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của Lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng Mến, hoa Trắng của lòng Trong Sạch, hoa Tím của Hãm Mình, hoa Vàng của Niềm Tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng.
Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: "Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng".
Thánh Bênađô thì diễn tả văn vẻ hơn: "Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ".
Bài viết có sử dụng tư liệu từ nguồn:
https://svcgditrach.org
http://tonggiaophansaigon.com